Những hoạt động đối ngoại Aleksandr_II_của_Nga

Nga hoàng Aleksandr II qua nét vẽ của Konstantin Makovsky (1881).

Vấn đề Đông phương là vấn đề đầu tiên mà chính sách đối ngoại của Nga hoàng Aleksandr II hướng tới. Chiến bại của quân Nga tại vùng Krym đã làm vị thế quốc tế của Nga bị suy giảm và làm Nga mất đi thế mạnh của họ trên vùng Balkan. Sự trung lập hóa Biển Đen đã khiến cho vùng biển tại biên giới phía nam của nước Nga không được phòng vệ, thế là sự phát triển của miền Nam Nga và phá vỡ sự mở rộng của việc ngoại thương.[11]

Dưới triều vua Aleksandr II, các nhà ngoại giao Nga mong muốn xóa bỏ các điều khoản của Hiệp ước Paris. Để thực hiện được ý đồ này, Nga cần phải có một đồng minh đáng tin cậy. Thời bấy giờ, Anh là đối thủ nguy hiểm nhất của Nga, tranh giành thuộc địa với Nga tại vùng Transcaucasia và Trung Á. Đế quốc Áo-Hung thì cố gắng lập lại trật tự tại vùng Balkan. Đế quốc Ottoman thì thực hiện chính sách thân Anh, còn Phổ là một nước yếu. Như vậy Nga cần phải nối lại tình hữu nghị với đế chế Pháp - nước cạnh tranh với đế quốc Anh tại Địa Trung Hải. Để nâng cao vị thế của Nga ở phía Đông, chính quyền Nga hoàng giúp đỡ cuộc khởi nghĩa của tín đồ Ki-tô giáo chống Sultan Ottoman.[11]

tháng 3 năm 1859, Hiệp ước Pháp-Nga được ký kết. Theo đó, Nga hoàng giữ vai trò trung lập trong cuộc chiến của Pháp và Sardinia chống quân Áo-Hung. Tuy nhiên, tin chắc rằng Pháp không ủng hộ Nga trong những vấn đề Nga quan tâm ở phía Đông, Nga hoàng đã cố gắng lập lại tình hữu nghị với Vương quốc Phổ.[11]

Trong một chuyến thăm viếng Liên bang Nga của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Anatolyevich Medvedev đã gởi tặng Obama một bộ sưu tập văn kiện lịch sử. Bộ sưu tập bao gồm 10 bản sao thư của Nga hoàng Aleksandr II gửi Abraham Lincoln - vị tổng thống thứ 16 trong lịch sử Hoa Kỳ - được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Dưới những lá thư đó có dòng ký của Aleksandr II: Người bạn tốt của ngài. Ngoài ra, bộ sưu tập còn chứa một bản sao của bài diễn văn gửi Nga hoàng Aleksandr II của nhân dân các bang miền Bắc Hoa Kỳ nhằm cảm ơn sự cảm thông và giúp đỡ họ của nước Nga trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ.

Năm 1874, nhận lời mời của nữ hoàng Anh là Victoria, Nga hoàng Aleksandr II đã thực hiện chuyến viếng thăm đến Vương quốc Anh.

Bán Alaska cho Hoa Kỳ

Bài chi tiết: Thương vụ Alaska

Năm 1867, đế quốc Nga đã bán các đảo Aleutian[31] và vùng đất Alaska có diện tích 1.600.000 km² cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Trước khi việc bán đất được thực hiện, Alaska và Xibia là "một" vùng nằm trong đế quốc Nga. Lúc bấy giờ, triều đình Aleksandr II còn đang đối địch với Hoàng gia Anh.[52] Do lo ngại rằng nước Nga sẽ không giữ vững được Alaska, ông truyền lệnh cho đại sứ Nga tại Hoa Kỳ là Eduard de Stoeckl thương thuyết với ngoại trưởng Hoa Kỳ là William Seward, nhằm mục đích bán Alaska cho Hoa Kỳ, tránh trường hợp vùng đất địa đầu này bị đế quốc Anh chiếm đóng. Đêm 30 tháng 3 năm 1867, hai bên thực hiện thương thuyết, đến 9 giờ sáng, phía Nga chấp nhận bán Alaska với giá 7,2 triệu đôla Mỹ, tương đương với khoảng 1,67 tỉ đôla Mỹ ngày nay.[52]

Thương vụ Alaska đã không được dư luận, đặc biệt là báo chí Mỹ thời đó vui mừng, họ xem đây là "trò điên của ngoại trưởng Seward", "vườn gấu bắc cực của tổng thống Andrew Johnson".[52] Dù vậy, ngoại trưởng Mỹ Seward cho rằng thương vụ này là cả một tính toán về chiến lược. Vùng Alaska nằm gần sát với Canada, một phần thuộc đế quốc Anh. Mục đích của việc bán Alaska là Mỹ sẽ cùng liên minh với Nga đương đầu với Anh. Trước đây, Nga là nước ủng hộ phe liên quân trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, trong khi Anh thì ngược lại. Ngày 18 tháng 10 năm 1867, hai bên thực hiện lễ chuyển giao vùng đất Alaska. Tuy nhiên, cho tới năm 1917 (50 năm sau thương vụ Alaska) và tới ngày nay, người Nga đã hối hận về thương vụ Alaska.[52]

Những cuộc bành trướng tại Trung Á

Chiến bại của quân Nga trước du mục Khiva.

Quan hệ thương mại với Trung Á - một yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế nước Nga - trở nên rắc rối vì những bất đồng trong nội bộ vùng này. Triều đình Nga hoàng tỏ ra lo ngại trước những cố gắng về ngoại giao của Anh nhằm chiếm lấy các Hãn quốc Kokand và Khiva thông qua vua Afghanistan. Cùng với vua cha Nikolai I và vua con Aleksandr III, Aleksandr II tiếp tục mở mang lãnh thổ của đế quốc Nga rộng lớn.[53]

Năm 1864, quân đội Nga bắt đầu tiến đánh các Hãn quốc vùng Trung Á. Mùa xuân năm 1866, họ gặt hái thành công trong những chiến dịch đánh đánh Bukhara. Tháng 3 năm 1868 vua xứ Bukhara tuyên bố một cuộc "thánh chiến" chống Nga hoàng, nhưng bị đánh bại. Tháng 6 năm đó vua xứ Bukhara phải ký một hòa ước bất bình đẳng với chính phủ Nga hoàng.[11]

Nga đã thôn tính được Bukhara, vùng Trung Á còn một Hãn quốc lớn nữa là Khiva. Tuy nhiên, trước khi xâm lược xứ này, chính phủ Nga hoàng quyết định dùng những biện pháp làm giảm sự căng thẳng trong quan hệ với Vương quốc Anh. Năm 1873, sau một thời gian thỏa thuận, hai nước Anh và Nga công nhận Afghanistan là một vùng trung lập, ngoài ra Nga được phép xâm chiếm xứ Khiva. Tháng 2 năm 1873 quân đội Nga mở màn chiến dịch đánh Hãn quốc Khiva. Tháng 5 năm 1873 vua Khiva đầu hàng, sang tháng 8 năm đó vua Khiva phải ký một hiệp ước với đế quốc Nga: xứ Khiva trở thành một chư hầu của Nga hoàng.[11]

Sau khi dập tắt một cuộc khởi nghĩa tại Kokand (1875-1876), ngày 19 tháng 2 năm 1876 Nga hoàng tuyên bố vùng Kokand trở thành một phần của xứ Turkistan thuộc Nga. Tuy nhiên, các Hãn quốc Bukhara và Khiva đã giữ được nền độc lập trên danh nghĩa. Trong các năm 1878 - 1879 Vương quốc Afghanistan cũng bị thực dân Anh xâm chiếm và bảo hộ.

Ngoài ra, đầu thập niên 1870, quân đội Nga hoàng bắt đầu tiến đánh các bộ lạc Turkmen. Triều đình Nga thực hiện chính sách chấp thuận những truyền thống bản địa của dân thuộc địa Trung Á. Người Nga cũng xây dựng luật pháp tại Trung Á. Xung đột nội bộ vùng Trung Á kết thúc. Người Nga và người các nước láng giềng được tự do di cư đến Trung Á.[11]

Thời bấy giờ người Nga cũng tiến đánh vùng Kavkaz và chiếm được nhiều vùng đất. Trong thập niên 1860 Nga hoàng Aleksandr II đã hoàn thành cuộc chinh phạt vùng Kavkaz.[6] tháng 4 năm 1873, hai nước Nga và Đức ký kết hiệp ước quân sự và phòng thủ. Cùng năm đế quốc Áo-Hung và Đức ký kết với Nga một hiệp ước chính trị: "Liên minh ba hoàng đế" được thành lập.

Nhìn chung, dưới triều vua Aleksandr II, nước Nga được mở rộng tới Trung Á - một khu vực có nhiều khoáng sản, chinh phục các quốc gia Turkestan, Bokhara và Khiva trong thập niên 1870, cũng như Vùng liên Caspi.[54]

Chiến tranh chống Ottoman

Đài tưởng niệm vị Nga hoàng giải phóngSofia, tưởng nhớ vai trò quyết định của Aleksandr II đối với cuộc giải phóng Bulgaria khỏi ách thống trị của Thổ (Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1877–1878)).

Năm 1855, Nga hoàng Aleksandr II lên nối ngôi. Theo sau lễ gia miện của ông là một câu hỏi: "Phải làm gì với đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ?" - mà người ta thường gọi là "vấn đề Đông phương". Kể từ khi quân đội Ottoman chiếm kinh đô Constantinopolis của đế quốc Đông La Mã, người Nga luôn khao khát chiếm lại Constantinopolis và đặt lại Thánh giá lên Giáo đường Hagia Sophia. Với khát vọng này, trước đây quân Nga đã không ít lần giao chiến với quân Ottoman. Vấn đề này đã chi phối chính sách đối ngoại của Aleksandr II, cuối cùng dẫn tới chiến tranh.[55]

Trước chiến tranh, Serbia đã được tự trị năm 1833, còn Bulgaria vẫn là xứ thuộc đế quốc Ottoman. Năm 1875, khủng hoảng chính trị xảy ra ở Balkan. Do chính quyền Ottoman đánh sưu cao thuế nặng lên người dân Bosnia và Herzegovina, họ phải nổi dậy đấu tranh. Người Serbia thấy Bosnia Herzegovina làm loạn cũng giúp những người Bulgaria - vốn đã bị trấn áp nặng nề tại đế quốc Ottoman - vùng dậy khởi nghĩa. Chính quyền Ottoman mong muốn dập tắt nhanh chóng các cuộc khởi nghĩa này để lấy trường hợp Bulgaria ra làm bài học cho những người khác và trấn áp khởi nghĩa Bulgaria một cách tàn nhẫn. Trong triều đình Aleksandr II, dù Bộ trưởng Ngoại giao Aleksandr Gorchakov là người phản đối Chủ nghĩa Đại Sla-vơ, nhiều triều thần theo Chủ nghĩa này.[56] Kể từ cuối thập niên 1860, Nga hoàng Aleksandr II ít quan tâm đến Hoàng gia và xã hội Sankt-Peterburg vì vướng vào mối tình khó giấu giếm với Yekaterina Dolgorukov, hơn nữa, sự mặc cảm tội lỗi của ông đã khiến ông dễ bị tổn thương trước áp lực của các nhà dân tộc Chủ nghĩa Đại Sla-vơ - những người đã nhờ bà Hoàng hậu đau yếu bào chữa cho họ khi Serbia tuyên chiến với đế quốc Ottoman vào năm 1876.[6][57] Được Nga xúi dục, Serbia và Montenegro tuyên chiến với đế quốc Ottoman. Tuy nhiên Nga không thể trực tiếp tuyên chiến với Thổ Ottoman vì trong "Liên minh ba hoàng đế", Áo-Hung không muốn Nga can thiệp quá mạnh mẽ vào vùng Balkan vì họ có tham vọng đối với vùng đất đó. Aleksandr II bèn đề nghị hoàng đế Áo-Hung giữ thái độ trung lập nếu Nga can thiệp vào khủng hoảng chính trị vùng Balkan. Không nhận được sự hồi đáp, Aleksandr đã gửi tiền, quân nhu, và cả "những cựu tướng lĩnh và sĩ quan" đến giúp phong trào khởi nghĩa vùng Balkan. Áo-Hung và đặc biệt và Anh không muốn Nga bảo hộ Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của họ trong chiến tranh Krym ngày trước. Họ đã triệu tập một Hội nghị Constantinopolis nhưng không thành công. Trong lúc này, chiến tranh vẫn tiếp diễn, phong trào khởi nghĩa đến hồi thất thế. Cuối năm 1876 quân Thổ Ottoman đã áp đảo quân khởi nghĩa. Thổ Nhĩ Kỳ có 400.000 quân trong khi lực lượng khởi nghĩa của Bulgaria, Serbia, và Montenegro chỉ có 105.000 quân.[55]

Nga hoàng Aleksandr II được chào mừng tại Bucharest, kinh đô xứ Romania.

Cuối năm 1876, người Nga đau xót trước cảnh chính quyền Ottoman trấn áp những người anh em Sla-vơ của họ. Dù nhiều người mong muốn vua Aleksandr II can thiệp vào tình hình Balkan, nhưng ông không muốn tuyên chiến. Ông lo sợ rằng đế quốc Áo-Hung sẽ phản ứng, dẫn đến cuộc chiến với thế lực này. Một hội nghị khác được triệu tập nhưng cũng không thành công. Dù sao thì Hội nghị Luân Đôn đã nghiêm khắc cảnh cáo thái độ bất công của Sultan Ottoman đối với tín đồ Ki-tô giáo. Khi người Thổ phớt lờ cảnh cáo này, đế quốc Áo-Hung cho phép Nga đánh Ottoman. Hoàng đế Áo-Hung sẽ giữ vai trò trung lập trong cuộc chiến sắp tới - mãi cho đến khi họ chiếm được Bosnia và Herzegovina. Những người Serbia, Hy Lạp và Montenegro sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ, Bulgaria và Romania sẽ độc lập, còn Constantinopolis sẽ trở thành một thành phố tự do. Sau những quyết định này, năm 1877, dù tự nhận là một người yêu hòa bình và không sẵn lòng tham chiến,[58] trước áp lực của các nhà dân tộc Chủ nghĩa Đại Sla-vơ[56][59] Nga hoàng tuyên bố ông là người bảo vệ của giáo dân Chính Thống giáo Đông phương sống trong đế quốc Ottoman, rồi tuyên chiến với đế quốc này vào ngày 12 tháng 4. Đây là cuộc chiến tranh cuối cùng trong một loạt cuộc chiến tranh Nga-Thổ trong lịch sử.[55] Ngày 10 tháng 5 năm 1877, một xứ thuộc địa của Thổ là Công quốc Romania tuyên bố độc lập.[60] Nga hoàng Aleksandr II phái 1.200.000 quân đến đánh quân Ottoman tại vùng Kavkaz. Tuy nhiên, sự thối nát hết thuốc chữ của quân đội Nga đã khiến cho họ nhận lấy tổn thất nặng nề và cuộc chiến trở nên đẫm máu. Dù Aleksandr II đã cải cách quân đội Nga theo kiểu Phổ, những cải cách này đã không khiến quân đội khắc phục tình trạng vô học của các binh sĩ.[55][59] Tuy nhiên, khả năng chịu đau và chịu khó của người Nga, cũng như niềm khao khát cháy bỏng muốn nhìn thấy cảnh Constantinopolis bị tái chiếm, đã khiến họ chậm rãi tiến về phía trước.[55] Vào tháng 2 năm 1878, cuối cùng quân Nga cũng đánh đuổi quân Thổ và kinh thành Constantinopolis hiện ra trước mắt họ, dù họ tổn thất nặng nề. Ước mơ của biết bao người Nga đã trở thành hiện thực, Constantinopolis nhất định sẽ thất thủ.[55]

Nguy cơ thất thủ của Constantinopolis đã khiến cho đế quốc thực dân Anh. Họ không hề muốn Constantinopolis trở thành một "thành phố tự do" tiếp thu nhiều ảnh hưởng từ Nga. Chiến thắng của Nga có thể đe dọa đến Kênh đào Suez mà Anh mới chiếm được và con đường buôn bán của họ tới Ấn Độ. Chính vì vậy họ không đời nào chịu nhìn thấy cảnh Nga kiểm soát các eo biển và đặt ảnh hưởng lên Constantinopolis. Thế là chính phủ Anh gửi một đội tàu chiến đến biển Marmara, lại có đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao và tuyên chiến nếu Nga đánh chiếm kinh đô Constantinopolis.[11][55] Cuộc chiến tranh Nga-Thổ cũng làm gia tăng căng thẳng với đế quốc Áo-Hung, vì Áo-Hung cũng có tham vọng ở vùng Balkan.[61] Tương tự như Anh, Áo-Hung cũng đe dọa chiến tranh và gửi một đạo quân đông đảo đến hòng tấn công bên sườn quân Nga. Trước sự can thiệp của các đế quốc Tây Âu, Aleksandr II nhận thấy nước ông không có tiềm lực về quân sự để tham gia một cuộc chiến tranh nữa (mà lần này thì đối phương quá mạnh), bèn tiếc nuối hạ lệnh cho quân sĩ không chiếm đóng Constantinopolis. Sự kiện này đã khiến cho biết bao người Nga thất vọng. Không những thế, ông cũng nhận thấy rằng cứ kéo dài chiến tranh thì nước Nga cũng không có thêm lợi lộc gì, bèn hạ lệnh ngừng bắn.[55] Những nhà ngoại giao và tướng lĩnh theo Chủ nghĩa dân tộc Nga đã thuyết phục Nga hoàng buộc triều đình Ottoman phải ký kết Hiệp ước San Stefano.[62] Hiệp ước này được ký kết vào ngày 19 tháng 2 (3 tháng 3) năm 1878, theo đó đế quốc Ottoman phải thừa nhận sự thành lập của Nhà nước Bulgaria (trong đó có Macedonia và Rumelia). Đồng thời Serbia, Montenegro và Romania cũng giành được độc lập,[11][63] lãnh thổ Serbia và Montenegro được mở rộng.[64] Người Bulgaria gọi vua Aleksandr II là "Czar Osvoboditel", tức "vị Nga hoàng giải phóng". Họ còn xem ông như một trong những quốc phụ Bulgaria, và tạc tượng ông tại trái tim của thủ đô Sofia và nhiều thành phố Bulgaria.[12] Cũng theo hiệp ước này quyền kiểm soát của Nga đối với xứ Armenia được củng cố, toàn bộ lực lượng Ottoman trên sông Danube bị tiêu diệt, tất cả các nước đều có quyền ra vào các eo biển, triều đình Ottoman phải cống cho Nga một khoản bồi thường đồ sộ[55] và hứa cải cách xứ Bosnia và Herzegovina.[64] Như vậy là Nga hoàng Aleksandr II phá vỡ thỏa thuận trước đây với hoàng đế Áo-Hung, theo đó Áo-Hung sẽ chiếm lấy Bosna và Hercegovina.[55] Với chiến thắng của quân Nga trong cuộc chiến tranh 1877-1878, Hiệp ước Paris bị hủy bỏ và người Nga đã gỡ được cái nỗi nhục thất bại trong chiến tranh Krym và chiếm được miền Bắc Bessarabia và các thành Kare, Ardagan và Batum.[11] Chiến thắng trước đế quốc Ottoman vào năm 1878 là thành tựu lớn nhất về mặt ngoại giao mà Nga hoàng Aleksandr II đã đạt được trong thời gian cầm quyền của ông.[31]

Hiệp ước San Stefano đã bị nhiều quốc gia phản đối, chủ yếu là Anh và Áo-Hung. Một quốc gia Bulgaria sẽ khiến cho đế quốc Áo-Hung bị ngăn chặn từ biển Aegean và Constantinopolis, còn đế quốc Anh thì rất lo sợ người Nga sẽ mang ảnh hưởng lớn lao vào các eo biển và Kênh đào Suez.[55] Vì vậy, hai đế quốc này tuyên bố rằng họ không công nhận hiệp ước San Stefano, người Nga phải ký một hiệp ước khác với họ. Thủ tướng Đức Otto von Bismarck đã hỗ trợ việc đàm phán dẫn tới cuộc hội đàm Berlin - một thất bại về ngoại giao của Nga. Khi Hội nghị Berlin diễn ra, Nga hoàng Aleksandr II giận dữ, nhưng ông không thể từ chối. Dĩ nhiên là Aleksandr II không đồng ý với việc ký kết một hiệp ước mới, nhưng nếu ông từ chối, chiến tranh nhất định phải nổ ra. Thế là ông đành phải công nhận việc ký kết một hiệp ước mới. Hiệp ước Berlin năm 1878, điều chỉnh lại Hiệp ước San Stefano trước đó, đã được ký kết: đế quốc Ottoman lấy lại được một phần lãnh thổ bị mất của họ, trong số đó có thành Bayazet, đế quốc Áo-Hung chiếm giữ Bosnia và Herzegovina, còn Anh thì nhận lấy đảo Síp.[11] Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1877 - 1878) chính thức kết thúc.[55]

Quan hệ với các nước Á Đông

Năm 1860, Vladivostok trở thành thủ phủ của nước Nga ở miền Viễn đông.[6] Chính sách Cận đông của vua Aleksandr II gắn liền với quá trình thực dân hóa vùng đất này và phát triển quan hệ ngoại thương giữa Nga và nhà Mãn Thanh của Trung Quốc. Lúc này, sau hai cuộc chiến tranh thuốc phiện, triều đại Mãn Thanh đã suy yếu.

Nga hoàng đã ký kết với triều đình Mãn Thanh Hiệp ước Ái Huy năm 1858. Đây là một hiệp ước bất bình đẳng đối với người Trung Quốc, vì theo đó họ phải nhượng cho Nga tất cả mọi vùng đất phía bắc Hắc Long giang cùng với một phần lãnh thổ lớn ở phía Đông Ô Tề Lý Giang cho đế quốc Nga.[65] Theo tác phẩm "Sử Trung Quốc" của Nguyễn Hiến Lê, năm 1860, Nga đứng ra làm "trung gian" trong Hiệp ước Bắc Kinh giữa Anh, Pháp với Trung Quốc, lại bắt Mãn Thanh nhượng toàn bộ miền Bắc Ô Tê Lý Giang cho tới bờ biển và cho phép các nhà buôn người Nga tha hồ tới Bắc Kinh. Triều đình Mãn Thanh đã mất tỉnh Maritime về tay đế quốc Nga hoàng.[6] Ngoài ra, qua hai hiệp ước này, Nga hoàng đã nhận được quyền cai quản vùng biển ấm áp không xa đất nước Mặt trời mọc và chính thức thành lập Hạm đội Thái Bình Dương.[66]

Năm 1855, Hiệp ước Shimoda được ký kết giữa Nhật Bản và nước Nga Sa hoàng. Với Hiệp ước này, Nhật Bản và Nga đã thành lập mối ngoại giao song phương. Ngoài ra, Hiệp ước còn chỉ ra vùng biên giới Nga-Nhật nằm giữa các đảo Iturup (Etorofu), Urup (Uruppu) và hai phần của quần đảo Kuril. Giờ đây tàu thuyền Nga đã được phép ra vào các cảng Shimoda, Hakodate và Nagasaki của Nhật Bản.[67]

Mặc dù cả hai nước vẫn cùng cai quản Sakhalin, người Nhật lại đặt quyền cai quản lên những hòn đảo Iturup, Kunashir (Kunashiri), Shikotan và Khabomai (Habomai) - giữa lúc người chủ của những hòn đảo này chưa được xác định là ai [68].

Đến năm 1875, Hiệp ước Sankt-Peterburg được ký kết giữa đế quốc Nhật và Nga: tất cả các quần đảo Kurile giờ đây nằm dưới quyền kiểm soát của triều đình Nhật hoàng. Đáp lại, Nga được đặt quyền cai quản lên đảo Sakhalin. Mãi đến năm 1905, chiến bại của Nga trong chiến tranh Nga-Nhật (1904 - 1905) đã khiến Nga mất quyền kiểm soát phía nam đảo Sakhalin [68].

Qua những hoạt động bành trướng đã nêu trên, Nga hoàng Aleksandr II là người có những cống hiến không nhỏ đối với sự phát triển của cái được gọi là "Chủ nghĩa đế quốc hòa hợp" trong lịch sử Nga.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Aleksandr_II_của_Nga http://220.231.93.23:8000/collect/A-DHAngiang/inde... http://bahai-library.com/resources/tablets-notes/l... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/14059/Al... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/513251/R... http://www.britannica.com/facts/5/292199/Pan-Slavi... http://www.ditext.com/yarmolinsky/yar14.html http://www.encyclopedia.com/topic/Pan-Slavism.aspx http://books.google.com/books?id=52BmAAAAMAAJ&q=%2... http://www.history.com/this-day-in-history.do?acti... http://www.infoplease.com/ce6/history/A0843532.htm...